Trang

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Bánh mì Phượng Hội An bị khách du lịch tố thái độ phục vụ hách dịch, kêu gọi tẩy chay

   nguon https://vietnambiz.vn/banh-mi-phuong-hoi-an-bi-khach-du-lich-to-thai-do-phuc-vu-hach-dich-keu-goi-tay-chay-20211227152316928.htm


Sự việc giữa một nữ khách hàng đến từ TP HCM và nhân viên của bánh mì Phượng (Hội An) đang thu hút sự chú ý của mạng xã hội.

Mới đây, một bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của người dùng, đặc biệt là những người yêu thích thương hiệu bánh mì Phượng (Hội An) - nơi từng được đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain gọi là "bánh mì ngon nhất thế giới". 

Cụ thể, một nữ du khách sau khi trải nghiệm dịch vụ tại bánh mì Phượng đã có bài viết kêu gọi tẩy chay thương hiệu này vì thái độ phục vụ không tốt của nhân viên, điều mà theo khách hàng này gọi là "hách dịch".

Theo nữ du khách tên là U.P, chị xếp hàng để mua 5 ổ bánh mì nhưng đã phải chờ rất lâu để nhận được bánh. Đáng nói, những người đến sau chị U.P đều được lên nhận bánh trước với lí do mà nhân viên đưa ra là "mua nhiều hơn người xếp hàng sau". 

Lời giải thích này khiến chị U.P bức xúc vì một vị khách đừng chờ mua hàng trước chị chỉ mất 20 phút để nhận được 30 ổ bánh mì. Nữ du khách cho biết nhân viên bán hàng cũng có thái độ hách dịch, liếm lườm chị khi bị thắc mắc về cách phục vụ.

Bánh mì 'ngon nhất thế giới' Phượng Hội An bị khách du lịch tố thái độ phục vụ hách dịch, kêu gọi tẩy chay - Ảnh 1.

Bánh mì Phượng Hội An bị nữ du khách kêu gọi tẩy chay. (Ảnh: FBNV).

"Khi chất giọng Sài Gòn được cất lên, mấy cô bánh mì Phượng khẽ ngưng nhịp đũa rồi im lặng không trả lời. Tôi ngơ ngác nhìn những người xếp hàng sau mình cầm bánh đi ra. Họ cố tình trêu ngươi, khi biết rõ tôi là người đến trước hết," nữ du khách bức xúc.

Đáng chú ý, không rõ có phải do ngôn ngữ vùng miền khiến khách hàng hiểu lầm hay không nhưng chị U.P cho rằng nhân viên của bánh mì Phượng đã chửi tục với khách.

"Để người bán hách dịch, trịch thượng, hỗn hào, bất lịch sự. Tôi không phải nạn nhân đầu tiên của thương hiệu này, chuốc cái cục tức đắng ngắt chắn ngang vị giác. Và tôi chắc chắn chúng ta sẽ không phải là nạn cuối cùng nếu chúng ta còn cổ súy cho một thương hiệu như thế. Các bạn thử nghĩ giữa mùa dịch khách vắng ở Hội An, thái độ họ còn như thế, thì mùa trước đây hay sau này tái hội nhập thì họ sẽ như thế nào", chị U.P kêu gọi tẩy chay thương hiệu bánh mì Phượng (Hội An). 

Bài đăng của khách hàng này được đăng tải từ ngày 24/12, đạt hơn 5.600 lượt like và hơn 3.100 bình luận, nhiều người phản ánh bản thân cũng đã trải qua tình huống tương tự. Trong đó có cả siêu đầu bếp Võ Quốc. 

Ngoài ra, chị U.P cho biết sau vụ việc, chị mới biết giá bánh mì bán cho khách du lịch là 30.000 đồng, thay vì 15.000 đồng cho dân địa phương.

"Có thể họ mặc nhiên du khách là họ sẽ thêm thịt để bán giá 30.000 đồng, và điều đó là mặc nhiên không có sự lựa chọn, không có niêm yết, và cũng không hỏi khách lời nào", chị U.P không hài lòng với sự thiếu rõ ràng trong việc niêm yết giá của bánh mì Phượng.

Đến hôm 26/12, theo chia sẻ của chị U.P, đích thân chủ tiệm bánh mì Phượng đã gọi điện cho nữ khách hàng này để xin lỗi và hứa sẽ thay đổi. Cô chủ Phượng mong muốn chị U.P gỡ bàn viết song nữ khách hàng này đã từ chối.

Theo đó, chị U.P cho rằng lời xin lỗi của chủ thương hiệu bánh Mì Phượng nên dành cho tất cả mọi người, gồm những thực khách vì yêu Hội An mà đến và những người buôn bán bình thường ở Phố Hội vì sự việc trên mà bị hiểu lầm như nhau. 

Về vấn đề nói tục với khách, nữ khách cho rằng cửa hàng nên cân nhắc thay đổi dù là yếu tố vùng miền thì việc này đã xảy ra nhiều lần và không nên trở thành thói quen gây khó chịu cho mọi người. 

Chủ quán bánh mì Phượng sau đó cũng đã đăng đàn xin lỗi cư dân mạng vì trải nghiệm không tốt, khẳng định giá cả được niêm yết rõ ràng và mong khách hàng thông cảm vì đa phần nhân viên là người Quảng Nam, có cách phát âm đặc trưng của địa phương.

Bánh mì Phượng từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng với khách du lịch đến Hội An, những ổ bánh mì đầy ụ nhân thịt,... của thương hiệu này đã tạo ra tiếng vàng trên thế giới. Năm 2019, bánh mì Phượng từng gây sốt một cửa hàng được đặt tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.


Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Các tập đoàn Trung Quốc miệt mài chinh phục thị trường TMĐT Đông Nam Á: Chi hàng tỷ USD cho M&A, lập các trung tâm logistics khủng

  nguon https://vietnambiz.vn/cac-tap-doan-trung-quoc-miet-mai-chinh-phuc-thi-truong-tmdt-dong-nam-a-chi-hang-ty-usd-cho-ma-lap-cac-trung-tam-logistics-khung-20211217120730716.htm


Khi áp lực ở thị trường nội địa tăng dần, có lẽ đây là thời điểm phù hợp để JD hay bất kỳ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nào khác mở rộng ra thị trường TMĐT nước ngoài.
'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Ảnh: WSJ).

Đầu năm nay, khách mua sắm tại Aeon Mall Sentul City ở West Java, Indonesia được chào đón đến buổi khai trương cửa hàng E-Space đầu tiên của JD.com tại nước ngoài. Cửa hàng này chủ yếu bán mặt hàng điện tử và gia dụng.

Đây không phải là động thái đầu tiên của sàn TMĐT Trung Quốc tại thị trường Indonesia, nơi Tokopedia và Shopee đang là các sàn TMĐT lớn nhất. JD.id đã hoạt động từ năm 2015. JD.com cũng mở 5 cửa hàng bán lẻ khác tại nhiều thành phố lớn ở Indonesia ngay cả trong đại dịch.

So với các đối thủ như Alibaba và Pinduoduo, JD đang kinh doanh tốt hơn ở Trung Quốc bất chấp đợt thắt chặt quản lý ngành công nghệ của chính phủ. JD ghi nhận doanh thu 34,3 tỷ USD trong quý III năm nay, cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Trong nhiều năm, JD.com vẫn được xem là ít tham vọng mở rộng ra nước ngoài hơn các công ty Trung Quốc khác. Dù vậy, điều này có thể đang thay đổi. Mới đây, một nhân viên cấp cao của JD nói với CNBC rằng công ty này đang tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh đầu tư tại nước ngoài, trong đó Việt Nam và Châu Âu được chọn là các thị trường tiềm năng. Sau tất cả, đến nay, JD, mặc dù có giá trị vốn hoá lên tới 122 tỷ USD, thường khá kín tiếng ở Đông Nam Á.

Con rồng ngủ quên

Có một điều chắc chắn là hiện diện của JD ở Đông Nam Á không rõ nét bằng Alibaba. Hai năm sau khi ra mắt JD.id vào năm 2015, JD thành lập một liên doanh với Central Group (Thái Lan) và mở nhiều cửa hàng vật lý ở Indonesia.

Bên cạnh các cửa hàng trực tiếp, JD cũng đẩy mạnh hiện diện trực tuyến bằng cách ra mắt JD Central vào năm 2018. Cùng lúc, JD đầu tư vào nhiều sàn TMĐT lớn trong khu vực như Tiki (Việt Nam) và Pomelo (Thái Lan) từ năm 2017.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, sự hiện diện của JD trong khu vực Đông Nam Á chủ yếu được thúc đẩy thông qua liên doanh và đầu tư chiến lược vào các sàn TMĐT địa phương.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Nguồn: Crunchbase, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Trong khi đó, Alibaba, đối thủ Trung Quốc lớn nhất của JD, đã rót 4,4 tỷ USD vào Lazada từ năm 2018 đến 2020 với 2 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2020. 

JD "đang không di chuyển đủ nhanh" ở Đông Nam Á và điều này trở thành thách thức lớn nhất của JD trong khu vực, ông Jeffrey Towson, một giáo sự tại Trường quản trị Sasin (Thái Lan), chia sẻ. "JD không xây dựng được mức độ tương tác khách hàng bằng đối thủ và cũng không đầu tư mạnh", ông giải thích.

Dù vậy, ông Towson cho rằng đây là một chủ ý của JD. Nhiều khả năng JD không muốn dấn thân vào cuộc chiến rót tiền đầu tư giữa Shopee và Lazada. Thay vào đó, JD muốn chờ đợi một thời khắc chín muồi hơn để vùng lên.

Josh Gardner, CEO công ty tư vấn TMĐT Kung Fu Data, cũng có cùng quan điểm này. "JD đang đợi cho đến khi mô hình mình theo đuổi phù hợp cho thị trường Đông Nam Á", ông chia sẻ.

Khác với mô hình sàn giao dịch như của Lazada và Shopee, JD lựa chọn mô hình bán lẻ trực tiếp và sàn giao dịch điện tử hỗn hợp. Điều này được thực hiện thông qua một hệ thống logistics tự triển khai bài bản.

Ông Gardner nói việc JD bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại là "rất thông minh về mặt chiến lược". Sức ép từ thị trường nội địa đến từ áp lực thắt chặt của nhà điều hành và sức mua giảm sút cho thấy JD cần thực hiện tham vọng quốc tế của mình trước khi quá muộn.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

(Nguồn: Insider Intelligence, Statista, China Internet Watch, eMarketer, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Thực tế lúc này tại Trung Quốc tương phản mạnh với tình hình ở Đông Nam Á, nơi TMĐT được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy chính trong tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) lên tới 174 tỷ USD trong năm 2021, theo báo cáo của  Google, Temasek và Bain & Company.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

(Nguồn: JD, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

JD hiện đang có khoảng 17% thị phần bán lẻ TMĐT Trung Quốc, theo ước tính của eMarketer. Con số này giảm mạnh từ 24,7% của cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của áp lực cạnh tranh mạnh đến từ những cái tên mới nổi như Pinduoduo.

Liệu mô hình O2O có thể giành chiến thắng?

Ông Eyvette Tung, giám đốc mảng kinh doanh trực tiếp của JD.id, nói với Tech in Asia rằng mô hình O2O (online-to-offline) vẫn đóng vai trò quan trọng trong vận hành của JD.id tại Indonesia.

Mặc dù bán lẻ trực tiếp chịu ảnh hưởng lớn từ COVID-19, các kênh bán trực tiếp vẫn chiếm tới gần 80% dung lượng thị trường bán lẻ Indonesia.

Bằng cách bổ trợ bán lẻ trực tiếp bằng nền tảng số, JD.id có thể tăng doanh số bán hàng trực tiếp và thu hút thêm nhiều khách hàng ghé thăm, ông Tung nói. Công ty lên kế hoạch mở và phát triển thêm nhiều cửa hàng bán lẻ theo mô hình O2O tại Indonesia.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 4.

(Nguồn: JD, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Ở Thái Lan, liên doanh của JD với Central Group cũng giúp JD có "hiện diện số" và "độ phủ bán lẻ rộng khắp", ông Towson nói. Vị giáo sự này cho rằng thoả thuận hợp tác sẽ là chất xúc tác để mở rộng nhanh chóng bán lẻ O2O ở Thái Lan.

Bên cạnh mạng lưới các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, năng lực logistics của JD cũng là cú hích cho chiến lược O2O.

Nếu như Alibaba giao toàn quyền mảng logistics cho công ty con Cainiao, JD trực tiếp thực hiện giao và xử lý đơn hàng. Hồi tháng 5, JD Logistics chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Ở Indonesia, JD có trung tâm phân phối trên hầu hết các đảo lớn, ông Leo Haryono, giám đốc marketing JD.id, chia sẻ. Ông nói thêm rằng J-Express (một công ty của JD) có thể giao hàng trong 24 giờ tại 85% các khu vực trên cả nước.

Shopee và Lazada hiện tại mới đang bắt đầu triển khai ý tưởng xây dựng năng lực logistics của riêng mình. Cụ thể, Shopee vẫn đang thuê ngoài xử lý phần lớn đơn hàng.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 6.

(Nguồn: World Bank, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Hiện chưa rõ mô hình O2O của JD.id có thể thành công đến đâu. JD.id xếp thứ 6 trong số các sàn giao dịch TMĐT Indonesia có số lượng người dùng lớn nhất, theo App Annie. JD.id cũng tụt xuống vị trí số 9 về số người truy cập trong quý I/2021.

Ở Đông Nam Á, sẽ có những hạn chế để JD tận dụng sức mạnh về bán lẻ trực tiếp và logistics vì địa hình địa lý đa dạng.

'Ông lớn' TMĐT Trung Quốc hiện đang nắm cổ phần Tiki muốn cạnh tranh ở Đông Nam Á - Ảnh 7.

(Nguồn: JD, Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Lợi thế của JD cũng chưa rõ ràng trong giai đoạn đầu của việc mở rộng. "Thế mạnh ở quản lý chất lượng, TMĐT xuyên biên giới và logistics của JD quan trọng trong dài hạn. Nhưng ban đầu, mọi thứ đều liên quan đến tương tác và thâu tóm người dùng", ông Towson nhận định.

Ở Đông Nam Á, qúa trình này đòi hỏi đầu tư và sáng tạo trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng phải thuyết phục các nhà bán hàng sử dụng kênh bán hàng số.

Dù vậy, JD vẫn có nhiều "chiêu bài" để chinh phục Đông Nam Á, ví dị như mối quan hệ trong chuối cung ứng với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Hướng đến tương lai

Trong khi chiến lược của JD ở Indonesia sẽ tập trung vào O2O. Hiện chưa rõ những kế hoạch tiếp theo của JD tại Đông Nam Á. Một lựa chọn sẽ là Việt Nam, nơi JD đang có 13% cổ phần sàn TMĐT Tiki.

Nhìn về tương lai, JD cũng có thể gặp không ít khó khăn tại Đông Nam Á khi cạnh tranh tại khu vực này ngày càng nóng lên. Shopee dành 6,6 tỷ USD để phát triển kinh doanh từ năm 2018 đến 2020. Trong khi đó, JD cũng phải cạnh tranh với nhiều "siêu ứng dụng" như Grab hay AirAisia.

Để chiến thắng, JD có thể học hỏi các bài học kinh nhiệm ở Trung Quốc nơi JD vẫn thành công dù không phải người tiên pphong.

Một vài năm trước, JD khởi xướng cuộc cạnh tranh về giá với các nhà bán lẻ truyền thống ở Đông Nam Á khiến doanh thu của nó tăng lên 25,2 tỷ USD vào năm 2015 từ 6,6 tỷ USD của năm 2012. Doanh thu ròng của JD vào năm 2020 dừng lại ở mốc 34,4 tỷ USD.

Ông Gardner nói rằng vẫn còn nhiều dư địa ở Đông Nam Á. "Tôi không chắc là JD có cần cạnh tranh với các công ty khác không khi họ vẫn có thể có được 20% đến 30% miếng bánh", ông nhận định.


Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Hành trình trở thành kỳ lân của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn

  nguon https://vietnambiz.vn/hanh-trinh-tro-thanh-ky-lan-cua-momo-ban-dau-la-mot-ung-dung-the-sim-lien-tuc-duoc-quy-ngoai-rot-von-20211221125115052.htm


Thành công của MoMo một lần nữa khẳng định tiềm năng của thị trường thanh số số nói riêng và ngành fintech Việt Nam nói chung.

Mới đây, M_Service JSC, công ty vận hành ứng dụng fintech MoMo, công bố khoản đầu tư 200 triệu USD trong một vòng đầu tư do Mizuho Bank dẫn dắt. Thành công này đưa định giá của MoMo lên cán mốc 2 tỷ USD, chính thức ghi danh thành startup kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, theo Bloomberg.

Vòng gọi vốn Series E lần này của MoMo còn có sự tham gia của Ward Ferry Management và các cổ đông hiện hữu như  Goodwater Capital LLC và Kora Management. Với số vốn mới, MoMo sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện tại khu vực nông thân, bắt đầu bằng dịch vụ thanh toán hoá đơn, ông Nguyễn Mạnh Tường, người đồng sáng lập MoMo, chia sẻ với Bloomberg.

Bên cạnh đó, MoMo cũng sử dụng số vốn mới để đẩy mạnh đầu tư công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và đẩy mạnh hoạt động thâu tóm, sáp nhập. "Thách thức lớn nhất vẫn là niềm tin. Mở rộng thêm ra các khu vực nông thôn, chúng tôi cần thời gian và tiền bạc để hướng dẫn người dùng", ông Tường chia sẻ.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 1.

MoMo là startup thanh toán điện tử thứ 2 tại Việt Nam thành "kỳ lân" sau VNPay (VNLife). (Ảnh: MoMo).

Bắt đầu từ một ứng dụng SIM

MoMo bắt đầu vào năm 2010 trong vai trò một ứng dụng thẻ SIM cho phép người dùng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại và nạp thẻ game. Đến năm 2014, MoMo cung cấp thêm dịch vụ ví điện tử trên smartphone và sau đó dần mở rộng thành một "siêu ứng dụng" với đa dạng các dịch vụ như thanh toán phí bảo hiểm, quyên góp và đầu tư.

Trong năm nay, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi bất chấp doanh số từ nhiều dịch vụ như lữ hành hay đặt vé xem phim gần như đứng yên vì đại dịch, ông Tường chia sẻ. Số lượng người dùng đăng ký MoMo tăng lên 31 triệu người từ 23 triệu người của năm 2020 khi người tiêu dùng và nhà bán hàng đều có xu hướng chuyển dịch lên các kênh số.

Vòng gọi vốn công khai lần đầu tiên MoMo công bố được ghi nhận vào tháng 1/2013 khi startup này kêu gọi được 5,8 triệu USD từ Goldman Sachs, theo dữ liệu của Tech in Asia. Đến tháng 3/2016, MoMo công bố thêm khoản đầu tư 28 triệu USD ở vòng Series B từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs. 

Thời điểm đó, MoMo cho biết đang có 2,5 triệu người dùng tại Việt Nam và mạng lưới hơn 4.000 đại lý nơi người dùng có thể chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác thông qua MoMo.

Standard Chartered hợp tác với MoMo để cung cấp dịch vụ ví thanh toán Straight2Bank cho nhóm khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam. Dịch vụ này cho phép doanh nghiệp thanh toán trực tiếp đến người hưởng thông qua ví MoMo.

Đến tháng 1/2019, MoMo cho biết đã kêu gọi thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C do Warburg Pincus dẫn dắt. Lúc này, số lượng người dùng đăng ký của MoMo tăng lên mốc 10 triệu và MoMo cũng là ứng dụng ví điện tử được tải về nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2018. 

Hai năm sau đó, vào tháng 1/2021, MoMo tiếp tục gọi vốn Series D với chi tiết tài chính không được công bố. Dù vậy, Bloomberg nói rằng quy mô vòng gọi vốn này có thể là 100 triệu USD.

Đến nay, với vòng gọi vốn mới nhất và chính thức được ghi nhận là "kỳ lân" (startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên), ông Tường vẫn khẳng định MoMo chưa có kế hoạch thực hiện IPO trong một vài năm tới và thay vào đó sẽ tập trung củng cố sản phẩm và vị trí trên thị trường.

Đến 53% thị phần ví điện tử Việt Nam

Sau Singapore và Indonesia, Việt Nam được xem là "chiến trường" fintech tiếp theo tại Đông Nam Á. Với khoảng 70% dân số chưa được tiếp cận hoặc vẫn đang tiếp cận hạn chế với các dịch vụ ngân hàng, cánh cửa vẫn rộng mở đối với cả các công ty lớn và các startup có thể cung cấp đa dạng các dịch vụ, đặc biệt là ở mảng ví điện tử - thanh toán số.

Theo một báo cáo của công ty fintech Boku Inc công bố hồi tháng 7, từ năm 2020 đến năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) của giá trị giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam có thể lên tới 29%. 

Trong báo cáo này, Boku ước tính MoMo đang là ví điện tử có thị phần số 1 tại Việt Nam với 53% "miếng bánh" trong tay, xếp sau đó là những cái tên như ViettelPay (25,2%), ShopeePay (trước đây là AirPay, 10,6%) và ZaloPay (5,3%).

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 2.

Thanh toán điện tử là một trong những lĩnh vực fintech hút vốn nhất tại Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng. (Nguồn: Roku, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Tuy nhiên, tồn tại dựa trên mô hình "ví điện tử đơn thuần", sẽ là điều không thể ở Việt Nam ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, chia sẻ với Tech in Asia. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi ở Việt Nam hiện đang có tới khoảng 40 ví điện tử cạnh tranh.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 3.

Thị trường thanh toán số ở Việt Nam tiềm năng song có mức độ cạnh tranh cao. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Để thúc đẩy người dùng, các ví điện tử cần "đốt tiền" cho hoạt động chiết khấu. Tuy nhiên, đây không phải một chiến lược bền vững. Bên cạnh đó, các công ty fintech cũng phải đối mặt với thực tế rằng người dùng ví điện tử cần phải kết nối ví của mình với tài khoản ngân hàng. 

Điều này khiến các ngân hàng cũng có thêm lợi thế trong cuộc đua, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số. Thực tế, chỉ có 3 ví điện tử năm trong top các ứng dụng thanh toán tại Việt Nam trong năm 2020.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 4.

(Nguồn: App Annie, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trong tương lai gần, đối thủ tiếp theo của các ví điện tử sẽ là mô hình mobile money. Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ cấp phép thí điểm Mobile Money từ đầu tháng 10. Bộ trưởng kỳ vọng Mobile Money sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp nhóm dân số chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng hoặc tiếp cận còn hạn chế với dịch vụ ngân hàng cũng có thể sử dụng được thanh toán không tiền mặt.


Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

F88 bắt tay với Thế Giới Di Động mở quầy dịch vụ cho vay cầm cố

  nguon https://vietnambiz.vn/f88-bat-tay-voi-the-gioi-di-dong-mo-quay-dich-vu-cho-vay-cam-co-20211217153705442.htm


Trong thời gian tới, khách hàng của Thế Giới Di Động sẽ có thể vay tiền từ F88 thông qua quầy giao dịch đặt tại cửa hàng.
F88 phối hợp với TGDĐ mở thêm dịch vụ vay tiền - Ảnh 1.

Khách hàng sẽ có thể vay tiền từ F88 tại TGDĐ. (Ảnh: F88).

Theo nguồn tin riêng của người viết, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) trong thời gian tới sẽ bắt tay với CTCP Kinh doanh F88 để đặt các quầy giao dịch bên trong mỗi cửa hàng bán lẻ. Khách hàng có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động (TGDĐ) hay Điện Máy Xanh (ĐMX) để thực hiện giao dịch vay tiền.

F88 sẽ hợp tác với TGDD ở hai hình thức: vay tiêu dùng và vay mua hàng. Trong giai đoạn đầu, hình thức vay mua hàng sẽ được triển khai từ nay đến 31/12. Khách hàng không cần mua sắm tại Thế Giới Di Động cũng có thể vay tiền. Giai đoạn hợp tác thử nghiệm sẽ diễn ra tại các cửa hàng Thế Giới Di Động tại TP HCM.

F88 sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay, duyệt hồ sơ, đòi nợ là giao dịch giữa F88 và khách hàng. Thế Giới Di Động là đơn vị cung cấp địa điểm giao dịch.

Khoản vay được cung cấp hiện tại là 10 triệu đồng và được chi trả trong 12 tháng. Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng trong vòng 15 phút có tiền ngay, tiền mặt do MWG tạm ứng hoặc chuyển khoản từ F88.

F88 yêu cầu khách hàng có xe máy chính chủ để đạt điều kiện vay tiền, F88 giữ cà-vẹt (giấy đăng ký) xe và vẫn cho khách hàng sử dụng xe máy trong giai đoạn trả nợ. Sau khi duyệt vay, F88 sẽ chia đều số tiền cần trả trong 12 tháng để khách hàng dễ nhớ, chỉ cần mỗi tháng đến đóng đúng số tiền đã ấn định.

Phí phạt tất toán sớm trước hạn của khoản vay là 5% số tiền gốc còn lại. Tổng chi phí vay tháng cao hơn 7%.

Hiện F88 đang có 500 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc trong khi Thế Giới Di Động sở hữu gần 5.000 cửa hàng. Cái bắt tay giữa ông lớn bán lẻ và một tên tuổi trong ngành tài chính được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng được lợi thế của nhau, từ tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng tới gia tăng tệp khách hàng tiềm năng.

Phản hồi trước thông tin này, phía Thế Giới Di Động cho biết sẽ có lễ ký kết vào thứ Hai (20/12) tuần sau và sẽ thông tin chính thức. Chúng tôi đang liên hệ với bên F88 để xác thực thông tin.


Vợ chồng ông Barack Obama là cặp đôi được ngưỡng mộ nhất thế giới năm năm 2021

  nguon https://vietnambiz.vn/vo-chong-ong-barack-obama-la-bo-doi-duoc-nguong-mo-nhat-the-gioi-nam-nam-2021-202112161034075.htm


Ông Barack Obama có năm thứ hai liên tiếp nắm giữ vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng dành cho phát mạnh, trong khi bà Michelle Obama cũng vinh dự giữ ngôi đầu bảng xếp hạng cho phái đẹp năm thứ ba liên tiếp.
Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là người được ngưỡng mộ nhất năm 2021 - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng những người được ngưỡng mộ nhất năm 2021. (Ảnh: YouGov).

Vừa qua, YouGov, một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên internet quốc tế có trụ sở tại Anh đã công bố bảng xếp hạng những người được ngưỡng mộ nhất thế giới năm 2021.

Theo bảng xếp hạng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn là người nắm giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng dành riêng cho phái mạnh, đồng nghĩa với việc ông là người đàn ông được thế giới ngưỡng mộ nhất năm qua. Đây là năm thứ hai liên tiếp cựu Tổng thống Mỹ nắm giữ vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng được YouGov công bố. Trước đó, tỷ phú Bill Gates là người nắm giữ ngôi đầu trong giai đoạn 20115 – 2019.

Trong khi đó, bà Michelle Obama, phu nhân của ông Barack Obama cũng là người nắm giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng dành cho phái đẹp, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp đứng ở ngôi vị cao nhất. Như vậy, cặp vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ đều là những người được thế giới ngưỡng mộ nhất năm 2021.

Trên thực tế, ba cái tên dẫn đầu hai bảng xếp hạng đều không có sự thay đổi so với năm 2020. Với nam giới, ba người dẫn đầu vẫn là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, tỷ phú Bill Gates và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, đứng sau bà Michelle Obama vẫn là hai cái tên quen thuộc, gồm nữ diễn viên và nhà nhân đạo Angelina Jolie cùng nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Nghiên cứu năm nay được YouGov khảo sát với 42.000 người ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là người được ngưỡng mộ nhất năm 2021 - Ảnh 1.

Vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama là hai nhân vật được ngưỡng mộ nhất năm 2021. (Ảnh: Inc Magazine).

Ở bảng xếp hạng dành cho nữ giới, nhà vận động nhân quyền người Pakistan Malala Yousafzai và nữ diễn viên Ấn Độ Priyanka Chopra là những người có bước thăng tiến nhanh nhất trong năm qua (đều tăng 5 bậc), lần lượt xếp ở vị trí thứ 9 và thứ 10. Riêng với Chopra, đây được coi là kết quả xứng đáng sau những bộ phim ăn khách của cô trong năm qua, bất chấp ảnh hưởng mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong khi đó, với bảng xếp hạng dành cho nam giới, siêu sao bóng đá người Argentina Lionel Messi là cái tên có bước nhảy cao nhất, tăng 4 bậc lên xếp hạng 7 thế giới. Dù vậy, ngôi sao bóng đá đang khoác áo CLB Paris Saint-Germain vẫn xếp sau kỳ phùng địch thủ người Bồ Đào Nha, siêu sao Cristiano Ronaldo, người cũng tăng hai bậc lên xếp vị trí thứ 4.

Với bảng xếp hạng dành cho phái đẹp, những người làm việc trong lĩnh vực giải trí chiếm số đông. Riêng trong số 20 người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất thế giới, có tới 10 cái tên là diễn viên, ca sĩ hoặc người dẫn chương trình truyền hình (mặc dù một số người như Emma Watson hay Angelina Jolie cũng nổi tiếng trong các lĩnh vực nhân đạo). Ngược lại, trong top 20 người đàn ông được ngưỡng mộ nhất, phần lớn đều hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và thể thao.

Những cái tên mới xuất hiện trên hai bảng xếp hạng năm 2021 có thể kể đến như Tổng thống Mỹ Joe Biden, tỷ phú Warren Buffett, diễn viên Lưu Đức Hoa, cựu thượng nghị sĩ Ấn Độ Sachin Tendulkar (nam) và Phó thủ tướng Mỹ Kamala Harris, diễn viên Ấn Độ Aishwarya Rai, rapper Lisa, diễn viên Lưu Diệc Phi, đạo diễn Dương Mịch và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (nữ). Trong đó, một số người đã từng xuất hiện trong những năm trước, nhưng không có tên trong bảng xếp hạng năm 2020.

Ngoài ra, bảng xếp hạng cũng chứng kiến nhiều cái tên quen thuộc như tỷ phú Elon Musk, diễn viên Thành Long, Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú Jack Ma,… hay bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey, nữ ca sĩ Taylor Swift, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton,…

Các kết quả được tính toán từ sự kết hợp của các câu trả lời cho hai câu hỏi: Liệu bạn có hâm mộ nhân vật nào đó không? Nhân vật bạn ngưỡng mộ là ai? Các kết quả tổng hợp được tại từng quốc gia sẽ được các chuyên gia phân tích, tính toán sao cho phù hợp với số lượng dân số quốc gia đó. Phần lớn khảo sát được thực hiện theo hình thức online, mặc dù một số quốc gia có tỷ lệ thâm nhập internet vẫn ở mức thấp.


Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

CEO Base.vn Hùng Phạm úp mở về một 'game lớn dài hơi', khẳng định quỹ nào cũng muốn chơi

  nguon https://vietnambiz.vn/sau-khi-basevn-ve-chung-nha-voi-fpt-ceo-hung-pham-up-mo-ve-mot-game-lon-dai-hoi-khang-dinh-quy-nao-cung-muon-choi-20211214115159651.htm


Nhà sáng lập Base.vn, Phạm Kim Hùng mới đây đã đăng tải bài viết trên Facebook cá nhân, giới thiệu về True Platform, startup mới mang một tầm nhìn toàn cầu.

"Hôm nay đánh đấu một ngày trọng đại với đội ngũ chúng tôi, xin giới thiệu True Platform - tầm nhìn của chúng tôi tới toàn cầu. Tôi hiện đang là CEO của hai đứa con tinh thần của cuộc đời - Base.vn và True Platform", CEO Hùng Phạm viết trên trang cá nhân hôm 13/12.

Vị CEO sinh năm 1987 cho biết vào cuối năm 2020, anh cùng đội ngũ đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Base muốn trở thành như thế nào trong 5 năm tới". Và một dự án đã được lên kế hoạch. 

"Chúng tôi nói chuyện với một số quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và đối tác, mỗi bên đều có các đề nghị khác nhau, nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời nào thật ấn tượng và phù hợp với mong đợi của chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng VC hiếm khi là lựa chọn tối ưu nhất để xây dựng một công ty lâu dài ở Việt Nam."

CEO Base.vn tiết lộ công ty mới, mang tầm nhìn toàn cầu - Ảnh 1.

CEO Hùng Phạm của Base.vn (Ảnh: FBNV).

Theo ông Hùng, thương vụ Base.vn về với FPT chính là lời giải cho câu hỏi mà CEO này tìm kiếm. Trong vòng một năm, Base.vn liên tục phát triển theo cấp số nhân và vượt qua mọi dự đoán về doanh thu cũng như tỷ lệ giữ chân khách hàng. Vị CEO tiết lộ dự định đưa Base.vn niêm yết trong tương lai gần.

Nhà sáng lập Base cho biết bản thân ông và Chủ tịch FPT, Trương Gia Bình đều có niềm tin mãnh liệt vào những kỹ sư tài năng của Việt Nam. Đồng thời, đây không phải là kế hoạch "tiến ra toàn cầu" mà là "xây dựng công ty toàn cầu ngay từ ngày đầu tiên".

"Khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam sẽ được sử dụng các sản phẩm toàn cầu thực sự", ông Hùng khẳng định. Theo ông Hùng, Base.vn được định hướng mở rộng thị trường theo chiều ngang và để đáp ứng điều đó đòi hỏi đội ngũ phải tung ra càng nhiều sản phẩm càng tốt. 

Không giống như Base, True Platform sẽ được mở rộng theo chiều dọc. "Chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào các sản phẩm theo chiều dọc và giải quyết các vấn đề một cách thực sự sâu sắc. Sứ mệnh thứ hai của True chắc chắn là mang các sản phẩm của Base cho toàn thế giới", CEO Platform tiết lộ. 

Ngoài ra, True Platform cũng có được sự hậu thuẫn của FPT cũng một số quỹ đầu tư hàng đầu từ những bước đầu tiên. "Tất cả các VC toàn cầu, những nhà sáng lập cực kỳ thân thiện và quan trọng nhất, sẵn sàng chơi một game lớn dài hơi với chúng tôi", ông Phạm Kim Hùng hào hứng.

Dự đoán đây là một cuộc hành trình dài nhưng CEO Hùng Phạm vẫn thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực làm việc chăm chỉ gấp đôi để tạo ra thành quả với True Platform.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn cho bất cứ điều gì bạn làm. Niềm tin lớn đi kèm trách nhiệm lớn. Chúng tôi không bao giờ quan tâm hành trình này dài bao xa, quan trọng là được làm những gì chúng tôi có thể tự hào. Sứ mệnh này không bao giờ thay đổi, nó chỉ lớn dần lên", CEO Base.vn tự tin với dự án mới.

Hồi tháng 5, Base.vn đã chính thức về dưới mái nhà FPT sau một thương vụ không được tiết lộ con số. Ở thời điểm đó, nền tảng của Base.vn đang tích hợp hơn 50 ứng dụng, tập trung vào ba mảng chính là Base Work+ (hỗ trợ quản lý công việc, dự án), Base HRM+ (hỗ trợ quản trị nhân sự) và Base Info+ (xây dựng hệ thống thông tin minh  bạch, hiệu quả).

FPT tự tin có thể giúp Base.vn cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu. Theo công bố, các sản phẩm của Base.vn sẽ được thừa hưởng những công nghệ lõi mới nhất từ tập đoàn FPT như FPT.AI, Blockchain, Cloud, chữ ký số điện tử... để cho ra những giải pháp hiệu quả hơn. Hiện chưa rõ sản phẩm mà True Platform muốn mang tới thị trường là gì, có thuộc hệ sinh thái với tập đoàn FPT hay không.