Trở lại vụ việc Quốc ca Việt Nam bị đơn vị tiếp sóng là Next Sports tắt âm thanh trên YouTube trong trận đội tuyển Việt Nam gặp Lào tại AFF Cup 2021, sau khi trận đấu kết thúc, dư luận đã dồn sự chú ý vào BH Media - đơn vị trước đó đã có những lùm xùm liên quan đến bản quyền bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Dù BH Media đã ngay lập tức phủ nhận thông tin liên quan đến việc tắt âm này và đơn vị tiếp sóng đã đứng ra nhận trách nhiệm song làn sóng dư luận về bản quyền/bản quyền bản ghi Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) vẫn được bàn luận và quan tâm, đặc biệt trên mạng xã hội.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, BH Media là hãng được quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất và sở hữu. Điều này đồng nghĩa nếu kênh YouTube nào sử dụng trái phép bản ghi này sẽ bị "đánh" bản quyền.
Theo luật sư Trương Thanh Đức tại công ty Luật ANVI, điều này hoàn toàn đúng với luật. Bởi hiện tại đang tồn tại hai loại bản quyền liên quan đến quyền tác giả.
Đầu tiên là bản quyền tác giả, quyền sở hữu của cá nhân/tổ chức với một sản phẩm cụ thể. Như trường hợp của Tiến Quân Ca, bản quyền tác giả đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao chuyển giao cho Nhà nước và được cung cấp miễn phí cho toàn dân sử dụng.
Thứ hai là bản quyền phái sinh. "Câu chuyện ở đây không liên quan đến quyền tác giả vì không có ai xâm phạm, đánh cắp... nhưng nó lại nằm ở quyền phái sinh, là các quyền liên quan đến quyền tác giả như ghi âm, phóng tác, biểu diễn...
Ví dụ như phóng tác một tác phẩm, ca sĩ khi thể hiện một tác phẩm âm nhạc sẽ có quyền đăng ký sở hữu đối với bản thu của họ, điều này không xâm phạm đến quyền tác giả nếu họ đã xin phép. Ở đây, BH Media đang nằm trong trường hợp thứ hai khi sở hữu bản quyền phái sinh (bản ghi của tác phẩm Tiến quân ca).
Không thể ngăn cản việc kiếm tiền từ Quốc ca
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng dù đúng luật nhưng việc thương mại hóa Quốc ca là việc làm không nên có. Trước ý kiến này, luật sư Phạm Duy Khương tại công ty Luật ASL đã có những chia sẻ trên trang cá nhân.
Theo luật sư Khương, Bộ Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), không nên cản trở việc kiếm tiền từ Quốc ca. Bởi theo ông, Quốc ca của các nước khác vẫn mang lại nguồn lợi nhuận cho nghệ sĩ.
Quốc ca của các quốc gia này cũng giống Việt Nam, đều là sở hữu toàn dân. Các nghệ sĩ kiếm tiền nhờ Quốc ca bằng việc sáng tạo trong cách thể hiện, biểu diễn đối với bài Quốc ca đó.
"Chúng ta đều hiểu hiếm ai buổi sáng uống cà phê lại bật Quốc ca lên nghe. Nghĩa là Quốc ca thường được nghe ở những sự kiện nhất định. Vậy nên, làm thế nào để ngồi uống cà phê lại nghe Quốc ca? Điều đó có thể xảy ra nếu ai đó thể hiện bài Quốc ca đó độc đáo, khác lạ, nghĩa là có sự đầu tư về chất xám.
Vậy nên nếu Bộ văn hoá can thiệp thì liệu rằng ai sẽ chịu đầu tư tiền của công sức vào bài Quốc ca khi thấy họ không thu được vật chất nhất định. Vậy thì khi đó mục tiêu lan toả bài hát quốc ca bị chặn đứng", luật sư Khương đặt câu hỏi.
Do đó, vị luật sư này cho biết không thể cấm được người khác kiếm tiền từ Quốc ca. Theo ông Khương, bản quyền bài Tiến quân ca không những thuộc về Nhà nước mà còn thuộc về nhân dân.
Ngoài ngôn ngữ, câu từ đơn thuần của bài Tiến quân ca, mọi sự thể hiện, biểu diễn sử dụng ngôn ngữ, câu từ đó lại thuộc một đối tượng khác nằm ngoài phạm vi quản lý, sở hữu của Bộ Văn hóa.
Chưa kể, cơ chế trên Youtube cũng khác, nếu không ai chứng minh được một quyền có trước một tác phẩm đã được xác nhận quyền lên trên Youtube trước đó thì Youtube vẫn mặc định quyền của người mà hệ thống của họ đã ghi nhận sớm nhất và bảo vệ cho người đó.
Ngoài ra, theo luật sư Khương, trước khi gia đình nhạc sĩ Văn Cao trao tặng tác phẩm cho nhà nước và nhân dân thì tác phẩm này đã được cấp quyền cho nhiều bên khác nhau. Việc tiếp quản quyền của nhà nước cũng đồng ý nghĩa tiếp quản nghĩa vụ liên quan đến tài sản này. Vì vậy, Bộ Văn hoá cũng không thể ngăn các bên được cấp quyền trước đó khai thác quyền, kiếm tiền từ bài hát quốc ca được.
Để giải quyết vấn đề bản quyền Quốc ca tại các sự kiện đại chúng, tránh trường hợp bị tắt tiếng như câu chuyện vừa qua, theo luật sư Khương, Bộ Văn hóa nên xác định một bản ghi Quốc ca mà Bộ nắm bản quyền.
Nếu chưa có thì đầu tư tạo ra một bản như vậy. Sau đó, làm công văn gửi đến tất cả các ban ngành từ giờ trở đi trong các sự kiện mang tính đại diện quốc gia, sự kiện của nhà nước thì dùng duy nhất tác phẩm đó. "Như vậy vừa nhẹ đầu, vừa tôn trọng sự sáng tạo cần có để khiến bản Quốc ca được biết đến nhiều hơn", vị luật sư hiến kế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét