Tân Hiệp Phát đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào công nghệ Aseptic với mục tiêu tăng doanh số gấp 3 lần. |
Bài học 3: Khi thị trường nói một đường, hành động một nẻo
Trong số khoảng 100 nhãn hàng của Tân Hiệp Phát hiện có, phần lớn là đồ uống có đường, mặc dù không phải không có những phiên bản không đường đối với các nhãn hàng trà, nước tinh khiết đóng chai…
Doanh số chứng minh, các sản phẩm có đường bán chạy hơn. Đường thực sự là thứ mà người tiêu dùng Việt Nam chuộng, bà Trần Uyên Phương nhận định.
Khi được hỏi, mọi người đều nói họ ưa chuộng các sản phẩm không đường, nhưng họ không làm theo lời họ nói. “Chúng ta nói một đường, nhưng hành động và hành vi tiêu dùng lại là một nẻo”, The Street dẫn lời bà Phương.
“Cà phê, thức ăn Việt Nam, mọi thứ đều có đường”, con gái cả của ông chủ Tân Hiệp Phát nói. Chính bà Phương, trong nỗ lực ‘nói không với kẹo’ để giữ gìn sức khỏe và vóc dáng, đã phát hiện ra đó là một thay đổi khó khăn.
"Để làm điều đó, tôi phải theo chế độ detox giải độc. Tôi đã phải ăn cháo chín ngày, không đường, không muối. Đó là một sự tra tấn đối với tôi".
Dù không còn ăn kẹo, nhưng vẫn còn nhiều đường trong các món ăn mà Uyên Phương nấu và ăn với gia đình. “Mọi người đều muốn khoẻ mạnh, điều đó thật dễ nói ra, nhưng lại không dễ thay đổi”, cô cho biết.
Các dòng đồ uống không đường, dù không có số phận hẩm hiu như bia Laser hay cà phê uống liền VIP, nhưng còn khoảng cách rất xa về doanh số so với các dòng sản phẩm chủ lực như Trà Xanh Không độ, Trà Thanh nhiệt Dr Thanh hay Nước tăng lực Number 1.
Học từ thất bại, học từ thị trường
Với 45 năm lăn lộn với đủ thứ sản phẩm đồ uống, ông Thanh dường như có cái nhìn tích cực về các thất bại và các thay đổi.
Khởi nghiệp với việc làm men từ năm 1973, trước khi chuyển sang sản xuất đường, thử sức với bia, nhảy vào nước tăng lực Number 1 để đối trọng với Reb Bull, trước khi thành danh với các dòng trà… chưa bao giờ người ta thấy Tân Hiệp Phát có ý định dừng lại cố định ở một thứ gì đó.
Những bài học quá khứ có vẻ đã giúp Tân Hiệp Phát ít thích thú hơn với những linh tính hay phiêu lưu. Họ tin vào khẩu vị thật của thị trường hơn là những gì thường được nói ra một cách lý thuyết.
Đó là lý do vì sao Nước tăng lực Number 1 với caffeine, đường và các vitamin lại trở thành món đồ uống không thể thiếu của giới lái xe đường dài, xe tải và những người lao động tốn sức.
Đó cũng là lý do vì sao mà bộ phận R&D của công ty thường mất khoảng 2 năm tính từ khi nảy ra một ý tưởng về dòng sản phẩm mới cho đến khi dòng sản phẩm đó đặt chân ra thị trường. Trong 2 năm đó, ý tưởng chỉ biến thành sản phẩm nếu cuộc thử mù cho thấy sản phẩm đó phổ biến với khẩu vị của ít nhất 70% số người tham gia thử.
Tiết lộ trên The Street, công ty này cho biết hiện đang nghiên cứu sản xuất trái cây khô. "Đó chính là điểm mạnh của Việt Nam, một đất nước nhiệt đới", Trần Uyên Phương cho biết. Đây được coi là một trong những miếng bánh mới trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD của công ty vào năm 2023.
“Tôi yêu thích ý tưởng mang sự tươi mới của những nông dân Việt Nam đến với người tiêu dùng, không có chất bảo quản”, Trần Ngọc Bích, con gái thứ của ông Trần Quí Thanh nói. “Điều đó cũng giúp ích cho các nông dân”.
Bích tin rằng, khi thu nhập bình quân của người Việt Nam tăng lên, người tiêu dùng sẽ có nhiều nhu cầu hơn về thực phẩm và đồ uống.
“Mọi người sẽ cần thêm thức ăn lành mạnh và đồ uống bổ dưỡng”, “và mọi người cần sự thuận tiện hơn trong vấn đề thực phẩm, vì họ dành nhiều thời gian hơn cho công việc”.
Liên tục làm mới, chấp nhận thất bại, học từ thất bại để am hiểu thị trường hơn. Có vẻ đó là điểm chung đáng kể giữa ông Trần Quí Thanh và hai cô con gái kế nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét