Ngày 8/12, Cơ quan điều tra của Bộ Công an có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. Tối cùng ngày, nhiều người liên tục ra vào nhà ông Thăng ở khu đô thị Sông Đà.
Ngày 8/12, theo TTXVN, thay mặt Bộ Chính trị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ký quyết định về việc đình chỉ sinh hoạt đảng với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có lệnh khởi tố, bắt tạm giam với ông Thăng.
Theo ghi nhận của Zing.vn, từ 17h-18h, nhiều người ra vào liên tục nhà ông Đinh La Thăng ở khu đô thị Sông Đà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hơn 18h, một xe biển xanh xuất hiện tại đây.
Lúc 19h, nhiều người tập trung phía sau cửa nhà ông Thăng. Cảnh sát khu vực đã xuất hiện để dẹp an ninh và kiểm soát người lạ ra vào khu vực này.
Có khoảng 40 phóng viên các báo có mặt ở khu đô thị trên.
Điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Thăng
Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng:
Một là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);
Hai là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Thăng có liên quan gì đến vụ thiệt hại 800 tỷ đồng?
Hồi tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, cơ quan chức năng xác định ông Đinh La Thăng đã vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn.
Cụ thể, ông Thăng ký thỏa thuận tham gia góp vốn giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Ngày 31/8, mở rộng giai đoạn 2 sai phạm trong vụ Oceanbank, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó tổng giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào Oceanbank. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 5 bị can trên về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét