Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang đứng ở mức cao nhất trong vòng 4 năm qua, trong đó giá gạo tấm 5% đang cao hơn Thái Lan và Ấn Độ. Xu hướng tăng giá này có phải do chất lượng gạo, mô hình sản xuất đã được cải thiện, hay chỉ vì nhu cầu thế giới tăng?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu (XK) 5 tháng đầu năm ước đạt 2,66 triệu tấn và 1,45 tỷ USD; giá XK tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá gạo tấm 5% XK của Việt Nam đạt 458-462 USD/ tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 – mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo đồ 5% tấm XK của Ấn Độ (404-408 USD/tấn), gạo 5% tấm của Thái Lan (435-440 USD/tấn).
Chưa vội mừng
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, giá gạo XK của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm XK ngày càng tăng, chiếm trên 80%. Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng XK gạo sang Philippines.
Nhận định có hai chỉ số quan trọng giúp giá gạo XK tăng, chuyên gianông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết giá tăng là do chất lượng gạo Việt Nam cải thiện tương đối rõ nét. Đồng thời, nhu cầu nhập gạo thế giới, đặc biệt các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia… tương đối lớn.
Song ông Thủy bày tỏ lo ngại diễn biến giá gạo 6 tháng cuối năm rất khó lường. 5 Tháng đầu năm, XK gạo tăng cao chủ yếu nhờ vào các hợp đồng nhỏ, vẫn chưa ký được những hợp đồng lớn. Trong khi đó, bài học trên thực tế cho thấy cứ bao giờ giá gạo XK tăng, sau đỉnh điểm tăng lên đó, giá lại bắt đầu giảm.
Hơn nữa, theo các chuyên gia nông nghiệp, giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước nhưng chỉ ở những loại gạo cùng chủng loại, còn Thái Lan và Ấn Độ vẫn có các loại gạo đặc sản XK với giá trị rất cao. Các loại gạo này có hàm lượng dinh dưỡng, mùi vị phù hợp với sở thích của người tiêu dùng các nước giàu có như Pháp, Ba Lan hay Mỹ.
Thừa nhận thực tế trên, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết gạo Việt Nam chỉ so được với gạo Thái cùng chủng loại, còn loại gạo đặc sản của họ là Hom Mali, Khaodak Mali vẫn có giá trên 1.000 USD/tấn.
Điều này nhắc nhở Việt Nam cần xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo là cường quốc XK, Việt Nam phải có loại gạo đặc sản dẫn dắt cả ngành. Cũng như giá gạo lên cao là tín hiệu tốt nhưng cần đánh giá một cách nghiêm túc việc tăng đó thực chất là thế nào. Nếu không, các doanh nghiệp (DN) cứ tranh mua, tranh bán đến lúc mua vào với giá cao nhưng khi XK giá xuống thì chịu hậu quả lớn.
Có thể thấy, diện tích sản xuất của Việt Nam không thiếu, sản lượng dư thừa, mỗi tỉnh và mỗi địa phương đều có các sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh vùng, miền nhưng ngành lúa gạo chưa phát triển đúng với tiềm năng, giá trị và thương hiệu gạo Việt ít được biết tới. Một phần nguyên nhân trong đó là do các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cho rằng với điều kiện thuận lợi, giá gạo có thể được bán với giá cao hơn, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết hiện đang diễn ra tình trạng các DN đua nhau và tranh nhau bán gạo.
Lý do chỉ vì bán gấp lấy tiền để thanh toán lúa cho nông dân và để đáo hạn trả nợ vay ngân hàng.
Trong khi đó, nếu các DN không tranh nhau bán hàng mà để gạo lại chỉ sau khoảng 2-3 tháng nữa, khi đó giá XK có thể tăng thêm 30 – 40 USD/tấn.
Giá gạo XK trung bình trong 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn
Vướng cơ chế
"Ngành lúa gạo Việt Nam hoàn toàn chủ động điều tiết XK gạo với giá trị cao chứ không phải tranh mua, tranh bán và bán giá thấp như hiện nay. Các DN chỉ cần được vay đủ vốn để đầu tư và vay theo lãi suất thông thường của ngân hàng, không cần ưu đãi lãi suất", ông Bình kiến nghị.
Kể lại câu chuyện diễn ra tại một triển lãm nông nghiệp tổ chức tại Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ: khi tham gia triển lãm này, bà cùng một đoàn DN chế biến và XK gạo của Việt Nam đã đem theo gạo hữu cơ (organic) đến giới thiệu.
"Chúng tôi bỏ gạo ra các thuyền thúng để trưng bày, thu hút nhiều người tham quan. Nhiều DN Thái Lan đã tới tìm hiểu, dò xét vì cho rằng gạo này có thể cạnh tranh với gạo của họ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là có một người nói rằng người Thái không phải lo, gạo Việt Nam trưng bày thế nhưng không XK được vì vướng Nghị định 109 về XK gạo. Thái Lan rất cảm ơn Việt Nam vì không cho DN có quy mô nhỏ XK gạo hữu cơ. Đây là một nút thắt cần mau chóng được tháo gỡ", bà Hạnh nhấn mạnh.
Liên quan tới Nghị định 109, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, kiến nghị Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ các đặc quyền mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang được trao theo Nghị định này, bao gồm vấn đề hợp đồng tập trung, vấn đề giá sàn và vấn đề đăng ký hợp đồng XK.
Trong đó, Chính phủ cần mạnh tay xóa bỏ cơ chế giá sàn và cơ chế đăng ký hợp đồng XK. Thay vào đó, thiết lập các kỷ luật XK bằng cách sẵn sàng cho phá sản, giải thể hoặc chất dứt tình trạng phụ thuộc vào các công ty nhà nước, giảm ưu đãi cho các công ty XK gạo chất lượng thấp, giá thấp khi xét các tiêu chí thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Đồng thời, thay thế chính sách mua, tạm trữ lúa gạo trước đây bằng kỷ luật XK gắn với các điều khoản ưu đãi tín dụng vào chính sách hỗ trợ liên kết ngang, liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cao để phục vụ một nền lúa gạo hiện đại, chất lượng cao, trong khi vẫn đảm bảo hấp thụ tốt nguồn cung lúa gạo mang lại lợi ích thực chất cho nông dân, các tổ chức hợp tác nông dân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng để có thể đứng vững trên thị trường đầy sức cạnh tranh, các DN phải có sự liên kết, hỗ trợ nhau thông qua các cơ chế hợp tác của các hội, hiệp hội ngành nghề.
Các hiệp hội ngành nghề có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra môi trường và cơ chế để có thể liên kết một cách chặt chẽ các DN trong cùng ngành hàng, đảm bảo hiệu quả lợi ích chung, lợi ích của DN và lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, cần phát huy mối liên kết chặt chẽ sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân, DN và HTX.
"Giờ người ta nói nhiều tới cánh đồng liên kết, trên cánh đồng đó, DN, HTX và người nông dân cùng liên kết với nhau để tạo ra giá trị gia tăng", chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét