Giá gạo xuất khẩu trên thị trường Ấn Độ tuần này tăng bởi hy vọng Trung Quốc sẽ mua nhiều hơn, trong khi giá tại Việt Nam giảm từ mức cao nhất nhiều năm bởi triển vọng nguồn cung trong nước tăng lên.
Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 5 USD lên 398-402 USD/tấn, từ mức thấp nhất một năm hồi tuần trước - nhu cầu yếu từ nước láng giềng Bangladesh.
Năm 2017, Ấn Độ là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Bangladesh. Tuy nhiên, nhập khẩu gạo vào Bangladesh chắc chắn sẽ chậm lại bởi chính phủ nước này đã áp thuế nhập khẩu 28% đối với mặt hàng gạo để hỗ trợ người trồng lúa trong bối cảnh sản lượng trong nước hồi phục.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên. Tuần vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý sửa đổi một số điều trong biên bản ghi nhớ liên quan đến kiểm dịch thực vật, cho phép các nhà xuất khẩu Ấn Độ tăng xuất khẩu gạo non-basmati sang Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa chưa nhiều, việc gieo xạ vụ Hè có thể bị chậm lại.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, giá loại 5% tấm giảm xuống 450-455 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 1/2012 vào tuần trước (465-475 USD/tấn).
"Dự báo giá sẽ còn tăng thêm nữa trong những tuần tới do nguồn cung tăng lên, bởi vụ Hè Thu sẽ thu hoạch cao điểm vào cuối tháng này", Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 5 đạt 763.707 tấn, tăng 5,9% so với tháng 4, theo số liệu chính thức.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan vững ở mức 430 USD/tấn 435 USD/tấn, FOB Bangkok (tuần trước giá khoảng 430-432 USD/tấn).
Các thương gia ở Bangkok cho hay, sau khi bán được cho Philippines hồi đầu tháng này, nhu cầu từ khách hàng quốc tế nhìn chung vẫn yếu.
Việc vận chuyển gạo chậm lại do mưa cũng ảnh hưởng tới hoạt động thương mại. Mùa mưa ở Thái Lan bắt đầu từ cuối tháng 5 và kéo dài tới giữa tháng 10.
Một số thông tin liên quan
Thái Lan có thể xuất khẩu 10,5 triệu tấn gạo trong năm 2018
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo Thái Lan trong niên vụ 2018-19 sẽ tăng 4% lên 21,2 triệu tấn, nhờ thời tiết thuận lợi và giá gạo thế giới tăng. Dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2018 của USDA được điều chỉnh tăng lên 10,5 triệu tấn nhờ nhu cầu từ Indonesia, Trung Quốc và Philippines có thể tăng lên.
Dự trữ gạo của Philippines cao nhất 6 tháng
Cục Thống kê Philippines (PSA) thông báo dự trữ gạo của quốc gia này tính đến ngày 1/5 đã lên mức cao nhất trong 6 tháng, đạt 2,909 triệu tấn, nhờ sản lượng lúa tháng 4 tăng. Lượng dự trữ này đủ dùng trong 90 ngày. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng gạo tồn kho của Philippines tăng, sau 6 tháng giảm mạnh vì kho dự trữ của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cạn kiệt. Tuy nhiên, mức dự trữ đó vẫn thấp hơn 9,48% so với 3,214 triệu tấn cùng kỳ năm trước, mặc dù so với một tháng trước đó, dự trữ gạo đã tăng 33,3%.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm 1 triệu tấn
Nguồn Business-standard nhận định xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm 1 triêu tấn trong tài khóa hiện tại vì khả năng Bangladesh giảm giảm nhập khẩu. Cụ thể, nhập khẩu gạo của Bangladesh có thể giảm trong năm 2018 - 2019 vì sản lượng gạo nội địa tăng nhờ mùa vụ phục hồi và diện tích gieo cấy được mở rộng sau khi giá tăng trong năm 2017. Kết quả là, xuất khẩu của Ấn Độ có thể giảm 0,5 - 1 triệu tấn.
Các nhà xuất khẩu gạo nước này đang rất kỳ vọng vào tuyên bố chung giữa Ấn Độ và Trung Quốc mới ký gần đây, theo đó trong tương lai Ấn Độ có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.
Nông dân Ấn Độ ồ ạt tăng diện tích trồng lúa basmati
Diện tích trồng lúa basmati dự kiến tăng tại Ấn Độ vì thu nhập của người nông dân cao hơn trong mùa trước. Tại những bang trồng basmati chủ chốt, nông dân đang mở rộng diện tích lúa basmati và thu hẹp diện tích trồng bông và lúa thường. Dự báo về mùa mưa bình thường tại Ấn Độ cũng khuyến khích người nông dân tại các vùng trồng lúa Punjab, Haryana, miền Tây Uttar Pradesh và Jammu & Kashmir trồng nhiều gạo basmati hơn. Mùa mưa bình thường thúc đẩy sản lượng của những giống mùa khác gồm cả bông, và người nông dân đã thu về ít hơn dự báo trong mùa vụ sợi năm ngoái.
Bờ Biển Ngà thúc đẩy sản xuất gạo để tự đáp ứng nhu cầu lương thực
Chính phủ Bờ Biển Ngà muốn tăng sản xuất gạo nội địa trong nỗ lực hướng tới mục tiêu có thể tự cung cấp lương thực vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu, quốc gia này mới nhận được 30 triệu USD từ chương trình cho vay ngân hàng Exim của Ấn Độ. Khoản vốn vay này sẽ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy sản xuất gạo.
Gạo nhập khẩu phổ biến trên thị trường này, và khối lượng nhập khẩu đã tăng từ 1,25 triệu tấn lên 1,45 triệu tấn trong giai đoạn 2016 – 2017. Năm 2016, Bờ Biển Ngà đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng là có thể tự cung cấp lương thực. Gạo là lương thực cơ bản của người dân, nhất là tại các thành phố lớn của Bờ Biển Ngà với lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên vì sản xuất lúa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu tới 900.000 tấn gạo, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Iraq cấm trồng lúa vì thiếu nước
Reuters ngày 14/6 đưa tin, Iraq đã cấm nông dân trồng lúa và các loại cây trồng tốn nước khác do tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng bởi khô hạn và mực nước sông sụt giảm. Phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp cho biết, đây là một quyết định khó khăn nhưng không thể làm khác được.
Malaysia đủ cung gạo
Bộ Nông nghiệp Malaysia đưa tin, nước này có đủ cung gạo. Vụ trưởng Vụ Lúa gạo, Shamsuddin Ismail, cho biết Malaysia đã sản xuất được 73% nhu cầu gạo và phần còn lại được đáp ứng bởi gạo nhập khẩu theo các hợp đồng dài hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét